Trang

Tuesday, April 21, 2015

Chuẩn tướng Lê Văn Hưng - Tư lệnh Phó Quân đoàn 4 QLVNCH, huyền thoại An Lộc

Chuẩn tướng Lê Văn Hưng, Tư lệnh Phó Quân đoàn 4/Quân khu 4 sinh năm 1933, xuất thân khóa 5 Sỹ quan Trừ bị Thủ Đức, mãn khóa vào tháng 1 năm 1955. Sau khi ra trường, ông đã có một khoảng thời gian dài tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Tây và trải qua nhiều chức vụ chỉ huy từ cấp đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn thuộc Sư đoàn 21 Bộ Binh. Năm 1966, ông giữ chức vụ Tiểu đoàn Trưởng Tiều đoàn 2 Trung đoàn 31 Bộ Binh với cấp bậc Thiếu tá. Cũng trong năm này ông được phóng viên chiến trường vinh danh là 1 trong 5 Ngũ hổ U Minh Thượng trong đó có: Thiếu tá Nguyễn Văn Huy, Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 44 Biệt Động Quân, Thiếu tá Lưu Trọng Kiệt, Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 42 Biệt Động Quân; Đại úy Vương Văn Trổ, Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 3/33 Bộ Binh; Đại úy Hồ Ngọc Cẩn, Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 1/33 Bộ Binh. Ông là một sỹ quan can trường, khả năng tác chiến cao, giỏi lãnh đạo chỉ huy và rất yêu thương binh sỹ dưới quyền.

Năm 1968, ông giữ chức vụ Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 31 Bộ Binh với cấp bậc Trung tá. Ở chức vụ này ông đã chỉ huy Trung đoàn 31 lập nhiều chiến công tại chiến trường Hậu Giang và ông được vinh thăng cấp bậc Đại tá. Giữa tháng 6 năm 1971 ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ Binh ở Quân khu 3. 9 tháng sau ông được vinh thăng Chuẩn tướng và tiếp tục giữ chức vụ này đến ngày 3 tháng 9 năm 1972. Một năm sau Tướng Hưng được bổ nhiệm làm Tư lệnh Sư đoàn 21 Bộ Binh. Suốt 20 năm chiến đấu trên chiến trường miền Đông Nam Phần, Sư đoàn 5 dưới sự chỉ huy của Tướng Hưng đã tham dự nhiều cuộc hành quân quy mô, lập nhiều chiến công lớn. Vào mùa hè đỏ lửa 1972 đã ghi danh Tướng Hưng cùng những chiến tích oai hùng của Sư đoàn 5 và các đơn vị Nhảy Dù, Biệt Động Quân, Biệt Cách Dù, các đơn vị tăng viện giữ vững An Lộc.


Ngày 4 tháng 4 năm 1972 trận chiến tại Bình Long mở màn, CSBV tung một trung đoàn tấn công một chi đội chiến xa tăng phái cho Trung đoàn 9 Bộ Binh rút về tăng cường cho Lộc Ninh. Ngày 5 tháng 4 năm 1972 địch đã mở màn trận tấn công bằng trận địa pháo và tung bộ binh, thiết giáp tấn công cường tập. Tuy nhiên trưa cùng ngày, CS bị đẩy lùi. Ngày 6 tháng 4 năm 1972, CS mở đợt tấn công mới với sự yểm trợ của một tiểu đoàn chiến xa T54 với khoảng 30 chiếc. Trước tình hình đó, Trung tướng Nguyễn Văn Minh Tư lệnh Quân đoàn 3 đã khởi động kế hoạch bảo vệ An Lộc. Ngày 7 tháng 4 năm 1972, Bộ Tổng tham mưu đã điều động Lữ đoàn 1 Nhảy Dù tăng viện cho Sư đoàn 5 Bộ Binh. Sau hơn 2 tháng tử chiến với CSBV dưới quyền tổng chỉ huy của Tướng Lê Văn Hưng lực lượng VNCH đã giữ vững được An Lộc và sau đó đã khởi động các cuộc tấn công giải tỏa áp lực địch ở các khu vực phụ cận thị xã.

Trong những giờ phút căng thẳng nhất của cuộc chiến, ông đã nêu gương sáng cho các sỹ quan thuộc quyền về phong cách chỉ huy. Giữa tháng 6 năm 1972 trong một lần tác nghiệp viết bài, nhóm phóng viên từ Sài Gòn đã đến Bộ Tư lệnh Hành quân của Tướng Hưng. Qua tiếp xúc với vị Tư lệnh mặt trận An Lộc, một phóng viên đã viết: "Bước vào lối đi nhỏ hẹp, đó là con  đường dẫn xuống trung tâm hành quân của Tướng Lê Văn Hưng, Tư lệnh mặt trận Bình Long. Căn hầm tù mù, một ngọn đèn duy nhất chừng 45 nến chỉ mang lại một chút ánh sáng vàng vọt, không đọc được bức thư. Sau này, chúng tôi được biết Tướng Hưng chuẩn bị cho những ngày phong tỏa kéo dài, ông có ba máy phát điện riêng nhưng nhất quyết chỉ sử dụng một máy mà công suất chỉ đủ dùng cho hệ thống siêu tần số và các máy liên lạc, còn thừa lại là ánh điện mờ trong hầm chỉ huy.


Tướng Hưng tự hạn chế mọi tiện nghi riêng cho sự sống còn của Bình Long. Nếu không còn mạch điện cung cấp cho hệ thống liên lạc thì An Lộc sẽ thất thủ tức khắc. Ngoài căn hầm trung tâm hành quân Tướng Hưng còn lại một căn hầm nhỏ dành riêng cho ông và nơi này chỉ được thắp sáng khi cần, bằng pin và ánh đèn xe đạp. Tướng Hưng chỉ sử dụng một máy phát điện, hai máy còn lại phải phòng hờ cho trường hợp máy đang phát bị trúng đạn pháo kích. Hơn nữa mức dự trữ nhiên liệu chỉ đủ thời gian cho một tuần lễ. Theo yêu cầu của Tướng Hưng, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 có thả dù các phuy xăng nhưng trong 10 thùng khi chạm đất thì phát nổ đến 9 thùng. Có những ngày Tướng Hưng phải ra lệnh đi mót xăng từ các xe cộ nằm rải rác trong thành phố. Nhiều người đã chết trong công tác tầm thường này, nhưng chính là sự hy sinh đầy ý nghĩa cho sự đứng vững của An Lộc trong hơn 2 tháng trời khói lửa.


Trong trung tâm hành quân tù mù, Đại úy Quý, sỹ quan báo chí Sư đoàn 5 Bộ Binh, trình diện Tướng Hưng, với nụ cười hiền từ ông băt tay mọi người và khất hẹn đến sau phiên họp hành quân sẽ để phóng viên phỏng vấn. Căn hầm Tướng Hưng rất hẹp so với số người chen chúc làm việc, kích thước chỉ chừng 4 x 10m, tất cả bộ tham mưu của ông làm việc dưới này và không một ai có quân phục đàng hoàng, không mặc áo thun thì cũng mình trần. Vào buổi chiều, Tướng Hưng ra khỏi hầm để nhóm phong viên thực hiện một "show" dã chiến, anh em nhận rõ khuôn mặt gày gò rất có nét của ông. Điểm đặc biệt là làn da ông trắng xanh hơn sau hai tháng trời làm việc dưới hầm, tránh các trận pháo kích kinh hoàng mà có lúc đã lên tới 7500 trái mỗi ngày. Trong cuộc phỏng vấn, Tướng Hưng thay vì nói với mình đã chỉ đặc biệt để cao tinh thần chiến đấu của các chiến sỹ thuộc mọi quân binh chủng đã giữ vững An Lộc và tình cảnh bi đát của mấy chục ngàn đồng bào kẹt giữa vùng lửa đạn Bình Long ". (Biên soạn dựa theo tài liệu của Khối Quân Sử Phòng 5/Bộ Tổng tham mưu/Quân lực VNCH, bài viết của nhóm phóng viên chiến trường được phổ biến năm 1972, lời kể của phu nhân cố Thiếu tướng Lê Văn Hưng)

Đầu tháng 9 năm 1972, Tướng Hưng được cử giữ chức Tư lệnh Phó Quân khu 3, đặc trách chỉ huy lực lượng đặc nhiệm phản ứng cấp thời. Một năm sau ông trở lại Sư đoàn 21 Bộ Binh với chức vụ Tư lệnh Sư đoàn. Trong năm 1974, Tướng Hưng đã điều động các đơn vị trực thuộc mở những cuộc hành quân đánh bật CSBV tại chiến trường Hậu Giang. Cuối tháng 10 năm 1974 Tướng Hưng bàn giao chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 21 Bộ Binh cho Đại tá Mạch Văn Trường, nguyên Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 8 Bộ Binh tại chiến trường An Lộc 1972, để về Cần Thơ giữ chức Tư lệnh Phó Quân đoàn 4. Tối ngày 30/4/1975 tại Văn phòng riêng ở Bộ Chỉ huy Quân đoàn 4 (đồng thời là nơi gia đình Tướng Hưng tạm cư trú) sau khi nói lời từ giã với gia định và tất cả quân sỹ bảo vệ Bộ chỉ huy ông đã quay vào văn phòng, khóa chặt cửa vả tự sát bằng súng lục. Lúc đó là 8h45' tối.

Chuẩn tướng Hưng đã thành thần đúng như dân gian thường nói về những vị dũng tướng "sinh vi tướng, tử vi thần". Ông đã sống một cuộc đời uy dũng qua nhiều giai thoại.

(Bài viết được phân tích và tồng hợp từ nhiều nguồn tài liệu)
Ozzie Nguyen

No comments:

Post a Comment