Trang

Thursday, November 6, 2014

Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam-Tư lệnh Quân đoàn IV QLVNCH




Bằng nhảy dù của Thiếu úy Nguyễn Khoa Nam cấp
 ngày 27 tháng 12 năm 1953 tại Bắc Việt 
Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam người gốc Làng An Cựu Tây, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên Huế, sinh trưởng tại Thành phố Tourane (Đà Nẵng) ngày 23 tháng 9 năm 1927. Ông học Tiểu học tại trường Ecole des Garcons, TP Đà Nẵng, đến năm 1939 ông ra Huế tiếp tục học Lycée Khải Định. Ông đậu bằng Thành Chung năm 1943 và tiếp tục học lên Nhị cấp. Thuở nhỏ Thiếu tướng Nam siêng năng, chăm học, rất hiếu thảo với cha mẹ, ông thường nghiền ngẫm Kinh Phật, triết học và Nho học. Năm 1951, ông giữ chức vụ chủ sự Tài chính, đến năm 1953 được gọi nhập ngũ khóa III Thủ Đức. Tháng 10 năm 1953, ông tốt nghiệp và tình nguyện vào Binh chủng Nhảy Dù rồi được điều động ra Bắc. Năm 1954, ông theo đơn vị về Sài Gòn. Năm 1955 ông làm Đại đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 7 Nhảy Dù tham gia cuộc hành quân Bình Xuyên tại Sài Gòn. Sau đó ông được thăng Đại úy và được cử đi học ở Pháp khoảng 8 tháng. Năm 1956 ông ở Pháp về và làm Đại đội trưởng kỹ thuật Dù trong trại Hoàng Hoa Thám. Tháng 1 năm 1957 sau một khóa tu nghiệp ở Hoa Kỳ, ông trở về phục vụ tại Phòng 3 (Kế hoạch Hành quân) Lữ đoàn Nhảy Dù.

Thiếu tướng Tư lệnh Nhảy Dù đang gắn huy chương cho
 Trung tá Nguyễn Khoa Nam  Lữ đoàn trưởng LĐ3ND

Năm 1963, ông được bổ nhiệm Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù. Năm 1964, Thiếu tá Nam được bổ nhiệm Tiểu đoàn trưởng. Một năm sau ông tiếp tục được thăng cấp Chiến đoàn trưởng Chiến đoàn 3 Nhảy Dù. Năm 1967, Trung tá Nguyễn Khoa Nam được bổ nhiệm Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 3 Nhảy Dù nổi tiếng với trận đánh đổi 1418, Kon Tum. Nhờ vậy đến cuối năm ông được thăng cấp Đại tá và trao tặng Đệ tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương của Chính phủ VNCH và Silver Star của Chính phủ Hoa Kỳ.

Thiếu tướng Dư Quốc Đống, Trung tá Nam và Đại tá Dickinson
 dang duyệt hàng quân
Trung tá Nguyễn Khoa Nam, Lữ đoàn trưởng LĐ3ND đang hướng dẫn
Thiếu tướng Tư lệnh Nhảy Dù xem các chiến lợi phẩm tịch thu được của địch
vào Tết Mậu Thân 1968
Năm 1969 Bộ Quốc Phòng thuyên chuyển ông ra khỏi Sư đoàn Nhảy Dù để về giữ chức Tư lệnh Sư đoàn 7 Bộ Binh, kiêm Tư lệnh Khu Chiến thuật Tiền Giang. Đến tháng 11, ông chính thức được vinh thăng Chuẩn tướng tại mặt trận. Tháng 10 năm 1971 ông được thăng Chuẩn tướng thực thụ. Hai năm sau ông được thăng quân hàm Thiếu tướng và đến tháng 11 năm 1974 với khả năng quân sự và uy tín hàng đầu trong Quân lực, Thiếu tướng được bổ nhiệm là Tư lệnh Quân đoàn IV vùng IV chiến thuật. Ngay sau khi nhận chức Tư lệnh, Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam đã nỗ lực ổn định tình hình tại miền Tây và phát triển xây dựng lực lượng Địa phương quân, Nghĩa quân tại Quân khu IV để cùng phối hợp với 3 Sư đoàn Bộ binh và các đơn vị Biệt Động Quân giữ vững miền Tây. Chính vì vậy, trong khi miền Nam trong cơn sốt rối loạn, các đơn vị tuyến trước bị tan hàng, thì tất cả lực lượng Cộng quân tại vùng IV đều bị khống chế. Tình hình miền Tây vô cùng yên tĩnh trong khi vùng I, II, III đều tràn ngập quân CS.

Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư lệnh QDD4-QK4 và
Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh Sư đoàn 7BB
Miền Tây chỉ thực sự biến động kể từ sáng 30 tháng 4 năm 1975 sau khi đài phát thanh Sài Gòn loan tin phổ biến lệnh "buông súng đầu hàng" của ông Dương Văn Minh, thành phố Cần Thơ bắt đầu hoảng loạn. Tại BTL Quân đoàn IV trước 10h ngày 30 tháng 4 năm 1975, Tướng Nam và Tướng Hưng vẫn tiếp tục liên lạc với các Tư lệnh Sư đoàn 7, Sư đoàn 9 và Sư đoàn 21. Các Tư lệnh Sư đoàn thuộc Quân đoàn IV vẫn quyết tâm giữ vững tinh thần tiếp tục chỉ huy. 10h30', Tướng Nam chỉ thị cho Đại tá Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Phong Dinh tại Trung tâm Hành quân đến để nghe Tướng Nam nói chuyện. Trong những giây phút sau cùng đó Tướng Nam vẫn giữ một nét mặt cương nghị nhưng trong ánh mắt là cả một nỗi buồn và xót xa. Ông ra lệnh cho các đơn vị trưởng được tùy nghi sắp xếp công việc còn riêng mình mặc dù có trực thăng chờ sẵn ông đã từ chối để ở lại.

Rạng sáng ngày 1 tháng 5 năm 1975, Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam đã tự sát bằng một khẩu súng Colt45 bắn vào màng tang bên phải. Trên bàn giấy chiếc cặp của Thiếu tướng có một số giấy tờ và 40.000 đồng tiền Việt Nam. Ông vĩnh viễn ra đi ở tuổi 48. Bác sỹ Trung tá Hoàng Như Tùng và một số chiến hữu đã tẩm liệm và đưa thi hài Thiếu tướng an táng tại Nghĩa trang Quân đội Cần Thơ ngày 1 tháng 5 năm 1975.

Sinh thời Thiếu tướng Nam là một quân nhân thuần túy, ông không muốn chính trị, tôn giáo xen vào quân đội. Ông sống liên khiết, sốt sắng với mọi người nhưng lạnh nhạt với bà con thân thuộc. Ông sống tình cảm nhưng là tình cảm chia sẻ đồng đều cho mọi người nhất là những người nghèo khổ như gia đình binh sỹ. Thiếu tướng Nam là một người đa tài, có tài năng thiên bẩm về quân sự và cũng là một nghệ sỹ. Hồi nhỏ, ông học vẽ và tranh của ông được trưng bày ở triển lãm. Trong những năm tản cư, suốt ngày ông say mê bên khung vải, tranh vẽ đủ loại: sơn dầu, sơn bột, chì.... Ông cũng có khiếu về âm nhạc và có trình độ về ký âm. Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam thích sống cô đơn, thấm nhuần tư tưởng Khổng Giáo và Phật Giáo. Ông sống và làm việc có trách nhiệm cho đến cuối cuộc đời mình. Cuộc đời và sự nghiệp chinh chiến của Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam mãi mãi là bức tranh đẹp trong Quân sử Việt Nam, một người hùng đã dâng trọn cuộc đời mình cho cho Tổ quốc.

Ozzie Nguyen
(Tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn tư liệu)

Tự hào những lý tưởng anh hùng cho miền Nam yêu thương




Từ ngày thành lập cho tới lúc sụp đổ, Quân lực VNCH có hơn 100 vị tướng lãnh. Người có cấp bậc cao nhất trong quân đội là Cố Thống tướng Lê Văn Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội VNCh. Trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã có nhiều tướng lãnh tử trận như Tướng Đỗ Cao Trí, Tướng Nguyễn Viết Thanh, Tướng Nguyễn Bá Liên, Trương Quang Ân, Nguyễn Văn Hiếu. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi miền Nam sụp đổ đã có 5 vị tướng lần lượt tự sát để bảo toàn danh dự quân đội và khí tiết kẻ sỹ: Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tướng Phạm Văn Phú, Tướng Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai, Lê Nguyên Vỹ... Đại tá Hồ Ngọc Cần Tỉnh trưởng Chương Thiện bị CS hành quyết tại Cần Thơ ngày 1 tháng 5 năm 1975 vì không tuân lệnh buông súng đầu hàng. Phân nửa các tướng lãnh không bỏ chạy sau đó đều bị bắt đi tù tại các trại giam từ Nam ra Bắc trên 17 năm, lâu nhất là Tướng Lê Minh Đảo, Trần Quang Khôi, Đỗ Kế Giai, Lê Văn Thân và Trần Bá Di. 38 năm chìm trong vẩn đục mà bàn tay CS đã ra sực bôi xóa, tẩy rửa, 38 năm uất hận nghẹn ngào không chỉ vì phải buông súng, phải giã từ, bị đày ải rồi phải bỏ nước ra đi. Thua cuộc chỉ là từ mà bên Thắng cuộc sử dụng nhưng nếu xét về nghĩa khí dù thắng hay thua người lính vẫn cứ mãi là người lính, sống cho lý tưởng và chết cho Quốc gia, đồng bào.

Người lính miền Nam đã làm trọn vẹn điều đó. Họ đã bảo vệ đến cùng nghĩa khí và tiết tháo của mình, sống và chết cho Tổ quốc. Họ mãi là những người con Việt Nam, là con cháu Lạc Hồng, chiến đấu cho quê hương, theo lý tưởng mà họ đã chọn. Xin ghi lại đây những câu chuyện về cuộc đời họ để minh chứng cho đạo đức, nghĩa khí, niềm tự hào cho lá cờ vàng của Quân lực VNCH mãi mãi lưu danh trong dòng sử oai hùng của nước Việt.

Ozzie Nguyen